hôm qua . bởi Phạm Tâm

Lo giá hàng hóa ‘đội’ theo phí tái chế

Doanh nghiệp cho biết sẵn sàng ủng hộ, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Tuy vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nên xem xét mức phí tái chế xử lý chất thải phù hợp, để tránh tạo thêm gánh nặng quá lớn, đội giá thành sản xuất, đẩy giá bán đầu ra khiến người tiêu dùng phải trả thêm tiền khi mua sản phẩm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Fs).

Sẽ đội giá bán đầu ra?

Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định này trong năm 2023 để kịp thời có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024. Hiện nay, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và xây dựng.

-3857-1687427371.jpg
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc quy định phí tái chế quá cao sẽ khiến đội giá thành sản xuất và tăng giá đầu ra sản phẩm. 

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp ngành nhựa rất ủng hộ việc sản xuất cần có trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên cũng có nhiều lo ngại liên quan đến phí, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) đối với ngành nhựa.

Theo bà Mỹ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành nhựa cũng không phải ngoại lệ, xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay giảm 20%. “Nửa đầu năm nay, đối tác không muốn nhập thêm hàng do tồn kho lớn, thị trường biến động nhiều. Chúng tôi hy vọng 6 tháng cuối năm, đơn hàng trở lại so với 6 tháng đầu năm”, bà Mỹ cho biết.

Trong bối cảnh khó khăn trên, bà Mỹ cho biết với quy định tại dự thảo Quyết định trên, gần như tất cả các loại bao bì đều phải trả phí tái chế. Việc trả một mức phí tái chế quá cao sẽ khiến doanh nghiệp phải tính vào giá thành sản xuất và giá sản phẩm đầu ra, và người tiêu dùng sẽ phải trả loại phí này, tăng thêm gánh nặng cho xã hội và người tiêu dùng.

Tại Hội thảo về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với rác thải điện tử mới đây, đại diện Samsung Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam, Bộ TN&MT cân nhắc mức phí với mặt bằng các quốc gia khác. Theo đại diện của Samsung, các quốc gia chỉ chênh lệch Fs vào khoảng 100%, còn theo dự thảo mà Bộ TN&MT đang lấy ý kiến hiện nay đã chênh từ 200% trở lên so với các quốc gia khác.

Đại diện Samsung cũng đặt ra câu hỏi nếu thực hiện tách từng phần sản phẩm điện tử thì chi phí tái chế có rẻ hơn không? Kết hợp với điều kiện xử lý chất thải nguy hại đi kèm với chất thải điện tử nếu như vậy có yêu cầu quá cao cho các công ty tái chế không? Vì không phải công ty nào cũng có thể tái chế được chất thải điện tử.

Liên quan tới vấn đề này, 14 hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam… đã có văn bản gửi Thủ tướng về định mức Fs dựa vào các nghiên cứu tham vấn có kết quả chênh lệch nhau rất lớn. Công thức tính Fs chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được, bất lợi cho doanh nghiệp. Các hệ số Fs như Fs 0,3 cho giấy, chai nhựa cứng (PET) và nhôm; Fs 0,5 cho sắt thép… là không hợp lý.

Ngoài ra, các hiệp hội cho rằng, sắt thép, nhôm, bao bì giấy, PET phương tiện giao thông, các nhà tái chế các vật liệu này đều có lãi. Các vật liệu này đang tạo công ăn việc làm và lợi nhuận cho nhiều người lao động, doanh nghiệp, ít có nguy cơ với môi trường. Do vậy, sẽ không hợp lý nếu yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế trong khi các đơn vị tái chế đó đang có lãi. Dự thảo còn xếp loại phương tiện giao thông vào nhóm sản phẩm chưa có công nghệ tái chế phổ biến ở Việt Nam; hay giải thích việc áp dụng hệ số 1.0 đối với phương tiện giao thông… không có tính thuyết phục.

Nghiên cứu lại mức phí

Đáng chú ý, nhiều đề xuất Fs rất cao, nguy cơ gây tăng giá lớn. Ví dụ, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai, 0,6% với bia lon, 0,2% đối với bịch sữa, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Theo đó, các hiệp hội đề xuất áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị thu hồi được cao hơn chi phí tái chế (như mô hình Na Uy và Đan Mạch). Đối với các vật liệu khác có công thức tính riêng.

Theo các doanh nghiệp, điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế ở Việt Nam, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, các Hiệp hội trên cũng kiến nghị trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận. Doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.

“Việc cho phép doanh nghiệp kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế là rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tìm giải pháp tái chế phù hợp. Việc cho phép này cũng phù hợp với chủ trương của Bộ TN&MT đã công bố là khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế thay vì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường”, các Hiệp hội cho biết.

Doanh nghiệp nhựa mong muốn Chính phủ quy định mức phí tái chế ở mức phù hợp, hài hòa giữa doanh nghiệp sản xuất và tái chế. “Việt Nam là quốc gia tiên phong trong ASEAN quy định mức phí tái chế nhưng làm sao để có mức phí vừa phải tránh gánh nặng quá lớn tới người tiêu dùng”, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng đề nghị Việt Nam nên đi từng bước, trước hết cần xây dựng khung chính sách; Bộ TN&MT cần đưa ra quy trình xử lý chất thải nguy hại có trong sản phẩm thải bỏ, để từ đó có căn cứ tính giá thành tái chế, xử lý; tăng cường cơ sở hạ tầng về thu gom rác thải và tái chế; tạo ra cơ chế chính sách với những quy định thuận lợi cho tái chế, thu gom; cần có chính sách thu hút đầu tư cho tái chế…

Đặc biệt, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các đề xuất theo kiểu tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sản xuất, nên dừng lại… Theo đó, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn. Dư địa của các chính sách tài khoá – tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá của chúng ta còn lớn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào.

Nhật Linh 

Bình Luận