Nông thủy sản sang Trung Quốc ‘rộng cửa’ nhưng… vướng rào
Việc Trung Quốc mở cửa biên giới là tin vui với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trong năm nay, song đi cùng với đó vẫn có những rào cản mà các đơn vị xuất khẩu phải vượt qua như vướng mắc ở hồ sơ đăng ký xuất khẩu, nguồn lực của doanh nghiệp còn yếu, chưa kể khả năng cạnh tranh về thương hiệu so với các đối thủ đi trước.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)”, ông Tô Vạn Quang, Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Việt Nam Trung Quốc tại Quảng Tây, chia sẻ tháng 3 mùa Xuân, trời ấm hoa nở, với việc dịch COVID-19 dần bị đẩy lùi, cánh cổng thương mại Trung Quốc được mở ra, ông tin rằng nông nghiệp, thủy sản Trung – Việt sẽ phát triển rực rỡ.
‘Đắt hàng’ nhưng vướng thủ tục
Theo đó, ông Quang cho hay chiến lược của Đông Đằng sắp tới là lập các văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam. Trong năm 2023, Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, DN này còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác.
Khó xuất khẩu tôm hùm nuôi qua thị trường Trung Quốc bằng đường bộ. |
“Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua-bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm”, ông Quang cho hay.
Tuy vậy, mặt hàng thủy sản cũng đang có những khó khăn nhất định để đưa được vào thị trường Trung Quốc. Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến, cho hay DN đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới. Tuy nhiên, DN này đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế.
Do đó, đại diện DN trên đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các DN xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới, tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, DN không thể giải trình được.
“Nếu được, tôi mong muốn các bộ ngành xem xét có giải pháp xin miễn trừ báo cáo tài chính hình thức làm thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới đối với các DN”, ông Trần Văn Út nêu kiến nghị.
Với sản phẩm tôm hùm, ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, phản ánh khoảng 70% sản phẩm của địa phương xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các DN trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về việc xuất khẩu tôm hùm theo đường hàng không gây tốn nhiều chi phí, lợi nhuận thu về thấp.
Theo đó, đại diện tỉnh Phú Yên đề nghị Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các DN vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ.
Nhanh chóng gỡ nút thắt
Đại diện tỉnh Phú Yên đề xuất Bộ NN&PTNT sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển; xét cấp Code cho “HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây.
Về phía DN Quảng Tây và chính quyền phía Trung Quốc, ông Phương đề nghị phía bạn thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả, đảm bảo đôi bên cùng có lợi và tạo điều kiện cho DN Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tôm hùm nuôi qua đường bộ.
Trước phản ánh khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc của các DN thủy sản, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) thông tin, đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
Cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ sở nuôi, cơ sở bao gói cần phải được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số.
Đại diện này cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và lưu ý trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.
Trong đó, một số DN chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký, DN phải nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER.
Để tháo gỡ các khó khăn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm.
Đối với các DN, Cục đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.
Lê Thúy
Bình Luận