Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường
Chia sẻ tại “Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới”, sáng 14/2, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); cao su chiếm tỷ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.
Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.
“Chính phủ Trung Quốc tiếp tục xây dựng Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao; đẩy mạnh hình thức thương mại chính quy theo thông lệ thương mại quốc tế. Cùng với đó là phía bạn tiếp tục phát triển sản xuất các mặt hàngvới tiêu chuẩn chất lượng cao, giảm dần và tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch””, ông Sơn cho biết.
Bởi vậy, không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, Việt Nam cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này.
Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Sơn nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc.
Tại Quảng Tây, trái cây là sản phẩm được chú trọng nhất, bởi tỉnh có nhiều cửa khẩu thông quan từ Việt Nam sang. Do đó, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng.
Bàn về định hướng hợp tác kinh tế với thị trường tỷ dân thời gian tới, ông Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Sơn nói.
Với doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương đề nghị thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Một số biện pháp được đưa ra, gồm xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Với riêng tỉnh Quảng Tây, ông Sơn khuyến nghị nên chuyển dần xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Ông nêu thực tế, rằng hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng.
Về định hướng hợp tác kinh tế thương mại với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, ông Sơn khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang triển khai hoạt động ký kết Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; xây dựng Danh mục nhiệm vụ trọng tâm hàng năm
với các hoạt động cụ thể cần triển khai trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng đang thúc đẩy các cơ quan chức năng của Quảng Tây đẩy nhanh triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Đồng thời, trao đổi các biện pháp cụ thể và hiệu quả nhằm tạo thuận lợi thông quan tại các cửa khẩu biên giới.
Hoài Anh
Bình Luận