Cơ giới hóa sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản Top 10 thế giới
Những năm qua, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Rõ nét nhất là giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt từ 2 – 3% năm. Đến năm 2021 cả nước có khoảng 14.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gần 19.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Những kết quả trên được công bố tại Hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững” tổ chức sáng 24/8 tại TP Cần Thơ. Hội thảo này nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện cơ giới Châu Á – Agritechnica Asia Live 2022.
Tỷ lệ cơ giới hóa bao trùm
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay mức độ cơ giới hóa ở một số khâu trong lĩnh vực, ngành hàng nông sản có tỷ lệ khá cao. Cụ thể như trong trồng trọt tỷ lệ cơ giới hóa đã đạt từ 70 – 100%. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng cơ giới hóa đạt từ 55 – 90%. Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thiết bị cơ giới hóa được ứng dụng phổ biến như máy sục khí, kiểm tra nhiệt độ nước, thu hoạch và các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới. Sự kiện cơ giới hóa Châu Á – Agritechnica Asia Live 2022 tổ chức tại ĐBSCL – vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lần này với mong muốn thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, gia tăng sự chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2050 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 nước hàng đầu thế giới.
Hiện nay, số lượng và chủng loại máy và thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp đang tăng nhanh. Cụ thể trong giai đoạn 2011 – 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, bơm nước tăng 60%, gặt đập liên hợp tăng 80%, sấy nông sản tăng 30%, chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Cơ giới hóa đã bao trùm các khâu từ làm đất, bón phân, tưới tiêu, thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch.
Hiện nay cả nước có khoảng 7.800 doanh nghiệp cơ khí, hơn 270 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động cơ khí. Có trên 4.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Dẫn chứng từ thực tế, ông Bùi Văn Kịp – Cố vấn cao cấp, Nhánh Khoa học Cây trồng Công ty Bayer Việt Nam chia sẻ: Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của máy bay không người lái (drone) trong việc hỗ trợ canh tác, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Một trong những lợi ích được biết đến nhiều nhất là giảm tiếp xúc trực tiếp của con người trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, cần xây dựng một nền tảng công nghệ kĩ thuật số giúp kết nối nông dân với mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ. Thu thập dữ liệu trong quá trình vận hành, phân tích và phát triển các ứng dụng thông minh trong tương lai. Cụ thể như quản lý dư lượng thuốc, dự báo sâu bệnh, quản lý và phòng trừ dịch hại… Điều này sẽ giúp nhà nông tận dụng hiệu quả các tính năng và tối ưu hóa chi phí khi sử dụng drone.
Ứng dụng sâu rộng
Một điển hình trong việc cơ giới hóa hiện nay, Công ty CP Đại Thành đã ứng dụng thiết bị bay không người lái thương hiệu Global Check tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Với khả năng tải được 20 – 40 lít dung dịch thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay 40kg giống, phân bón, 100% điều khiển bay tự động bằng điện thoại thông minh, có thể hoạt động trên mọi địa hình, thiết bị Global Check được đánh giá là giải pháp thông minh, triển vọng cho sản suất nông nghiệp. Từ thực trên có thể khẳng định mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng lên ở các khâu trước và sau thu hoạch.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ, Bình Điền xác định mục tiêu thúc đẩy các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp canh tác thông minh, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và đẩy mạnh số hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là trình diễn mô hình sản xuất, công nghệ và thực hành trên đồng ruộng…
Thông qua sự kiện này, Công ty CP Phân bón Bình Điền mong muốn tạo môi trường để người nông dân Việt Nam có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế. Đồng thời mở rộng quy mô ứng dụng nông nghiệp 4.0 và các giải pháp, công nghệ thông minh.
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ tín dụng giúp nông dân có điều kiện ứng dụng máy móc vào nông nghiệp. Trong 10 năm trở lại đây, Bộ NN-PTNT cũng đã phê duyệt thực hiện một số dự án khuyến nông Trung ương về lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp, các dự án đã được triển khai đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng Ban chính sách tín dụng ngân hàng Agribank cho biết, đơn vị đang triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia. Để tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp, Agribank đã đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình tín dụng, ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn máy nông cụ trên thế giới như Tata (Ấn Độ), Yanmar, Kubota (Nhật Bản).
Thông qua các ký kết này đã góp phần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về hiện đại hóa nông nghiệp, chú trọng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn TP Cần Thơ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân trong giai đoạn hiện nay. Hầu hết các vùng sản xuất lúa tập trung đều hình thành các tổ, nhóm dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân như bơm nước, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản.
Những tiến bộ về cơ giới trong sản xuất sớm được ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là các loại máy móc chi phí thấp, dễ vận hành như máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy phun hạt giống, máy phun phân. Các phương tiện máy móc hiện đại sớm được doanh nghiệp, các cơ quan chức năng liên quan triển khai, xây dựng mô hình nhân rộng ở địa phương. Tuy nhiên, hiện còn một số khâu sản xuất ít được cơ giới hóa nên chưa thúc đẩy phát triển nâng cao thêm chuỗi giá trị trong ngành sản xuất lúa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Kim Anh – Ngọc Thắng – Lê Hoàng Vũ
Bình Luận