Trái cây nội chịu áp lực cạnh tranh trên “sân nhà”
Nửa đầu năm nay, Việt Nam chi khoảng gần 900 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng 28% so với năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu giảm gần 19%, nguyên nhân chính là do sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu giảm, trong khi nhập khẩu tăng mạnh, thực tế này đã làm gia tăng sức ép cạnh tranh lên thị trường trong nước.
Kim ngạch trái cây nhập khẩu tăng mạnh ở nhiều thị trường
Tỉnh Bến Tre đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ nông dân địa phương này tiêu thụ dừa. Dừa khô Bến Tre hiện có giá chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng/quả, tức giảm 3 lần so với trước đó. Một số loại trái cây mùa hè như măng cụt, sầu riêng, mít, vải, bơ… cũng giảm giá 10 – 15% so với năm 2021.
Hàng Thái Lan gặp khó khi tiêu thụ tại Trung Quốc cũng tìm đường sang các thị trường lân cận như Việt Nam. Vì vậy, cuộc cạnh tranh của trái cây nội trên sân nhà đang rất gay gắt.
Cuộc cạnh tranh của trái cây nội trên sân nhà đang rất gay gắt. (Ảnh minh họa – Ảnh: NLĐ)
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm nay, trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, có nhiều thị trường có sự tăng trưởng về giá trị nhập khẩu từ 120%, thậm chí 180% như Trung Quốc, Australia, New Zealand hay Nam Phi.
Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ trái cây quan trọng của nhiều nước, nằm trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Mỹ. Trái cây cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 từ New Zealand sang Việt Nam.
Mới đây, Australia cho biết sẽ xuất thêm số lượng lớn đào và xuân đào của nước này vào nước ta, sau một thời gian xuất khẩu nho Australia tăng mạnh tại Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh của giá và chất lượng
Tại một siêu thị, với 100.000 đồng, khách hàng có thể mua được 2 kg táo nhập khẩu từ Nam Phi hoặc New Zealand. Mức giá này tương đương hay thậm chí thấp hơn một số loại trái cây Việt Nam khác như: bòn bon, nhãn xuồng hay cam, quýt.
“Thứ nhất là chất lượng, thứ hai là mọi người trong nhà ăn hợp khẩu vị. Thực sự giá này với giá hàng trong nước tương đương nhau”, một khách hàng cho biết.
“Cũng mua nhập khẩu thường hơn vì ăn nó lạ lạ, giá cũng không cao hơn bao nhiêu”, một khách hàng khác chia sẻ.
Quầy hàng trái cây của bà Hồng tại chợ Tân Định (TP Hồ Chí Minh) tuy không chuyên về trái cây nhập khẩu, nhưng phần nhiều vẫn là trái cây từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc và Australia. Mẫu mã, chất lượng được đánh giá cao, giá ngày càng rẻ khiến trái cây ngoại được tiêu thụ nhiều hơn ở Việt Nam.
“Măng cụt của Thái thì bán 100.000 đồng, hàng Việt thì bán 80.000 – 90.000 đồng. Hàng của Thái bán vẫn được lắm. Hàng Việt Nam người ta ăn theo mùa”, bà Trần Thị Lệ Hồng, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, giá trái cây nhập khẩu đang ngày càng cạnh tranh dù các chi phí logistics tăng cao. So với trước đây, nho, táo, quýt từ Mỹ, Australia, Nam Phi đã giảm 40%.
“Về mẫu mã, nó đẹp hơn. So với hàng Thái Lan thì hàng Thái chất lượng ổn định hơn”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.
“Hầu hết những sản phẩm nhập khẩu đang chọn bán ở kênh siêu thị, là những nơi người tiêu dùng khá quan tâm về vấn đề an toàn, sức khỏe nên họ bán được giá khá cao. Trong khi sản phẩm trái cây của chúng ta lại bán tại các kênh là chợ đầu mối. Chính vì vậy, chúng ta lại hạ thấp giá bán, khi đó không có tiền để đầu tư lại mẫu mã, bao bì dẫn đến sự yếu kém kéo đều xuống”, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food, nhận định.
Nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng rau quả trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng, kim ngạch nhập khẩu rau quả ngoại nhập sẽ có thể tăng.
Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ trái cây quan trọng của nhiều nước. (Ảnh minh họa – Ảnh: NLĐ)
Dựa trên những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, các thị trường xuất khẩu áp dụng mức thuế xuất khẩu 0% với hàng nông sản Việt, ngược lại các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu tương tự.
Khoảng trống chất lượng tại thị trường nội địa
Với một loại quả bình dân và phổ biến ở Việt Nam – quả me, nhưng khi me Thái Lan được bán tại siêu thị Việt Nam: đóng hộp đẹp, có đầy đủ chứng nhận xuất xứ nguồn gốc và thông tin về giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, hộp me của Thái Lan được bán với giá gần 60.000 đồng/hộp chưa đầy 500 gram. Với nhiều đơn vị ở Việt Nam, họ gọi đây là khoảng trống thị trường.
Khoảng trống thị trường chính là những sản phẩm trái cây có chứng nhận rõ ràng về xuất xứ và chất lượng. Sau hàng chục năm làm xuất khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T quay lại đầu tư thêm vào thị trường nội địa. Dự kiến sắp tới đơn vị sẽ mở hệ thống siêu thị trái cây tươi và đặc sản.
“Đó là một trong những hướng để nâng tầm trái cây Việt Nam. Người tiêu dùng tiếp xúc với những loại trái cây đặc sản và có chất lượng cao. Thanh nhãn Bạc Liêu, vải thiều Lục Ngạn, những loại trước kia chỉ xuất khẩu sẽ đem về bán ở thị trường nội địa. Tôi nghĩ sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng hơn”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho hay.
Chỉ chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu mà bỏ qua nhu cầu từ thị trường trong nước, chính tư duy sản xuất nông nghiệp này làm giảm sức cạnh tranh của trái cây nội.
“Hiện nay, những sản phẩm trái cây của Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam hay nhiều quốc gia khác đều có giấy chứng nhận đảm bảo, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Trong khi ở Việt Nam đều quảng cáo sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng thiếu chứng nhận. Đây là điểm yếu của chúng ta cần phải khắc phục”, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food, đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp đều khẳng định, thị trường Việt Nam là thị trường đáng để quan tâm, đầu tư và sinh lời với gần 100 triệu dân. Người nông dân và doanh nghiệp phải xác định rằng dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng để cạnh tranh tốt trên sân nhà.
VTV.vn
Bình Luận