Sau 20 năm xây dựng và thực hiện chương trình “HVNCLC- Do người tiêu dùng bình chọn”, đứng trước bối cảnh hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới đặt ra một yêu cầu: Việt Nam ngoài việc cần được công nhận và tín nhiệm của NTD đối với chất lượng tổng hợp của sản phẩm, còn phải đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như sự cam kết đảm bảo chất lượng luôn ổn định, và quy trình hướng đến kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, tuân thủ, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cũng như trách nhiệm với xã hội.
Vào năm 2016, Hội DN HVNCLC đã bắt tay xây dựng chương trình thứ 2 có tên “HVNCLC- Chuẩn hội nhập” song hành cùng với danh hiệu “HVNCLC-Do người tiêu dùng bình chọn”. Chương trình này hỗ trợ cả nông dân và DN thay đổi tư duy về vai trò tiêu chuẩn và xây dựng tiêu chuẩn để gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Để vươn ra thế giới, các doanh nghiệp cần hoàn thiện chất lượng sản phẩm của mình để đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Do đó, Bộ Tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập ra đời với sứ mệnh tăng cường lòng tin thị trường đối với sản phẩm Việt, tạo cơ hội cho Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng và có trách nhiệm được thị trường nhận biết và xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho xã hội.
HVNCLC- Do NTD bình chọn: danh hiệu được chính người tiêu dùng VN bình chọn thông qua cuộc điều tra hằng năm trên các tỉnh thành trong nước để lấy ý kiến khảo sát.
HVNCLC – Chuẩn hội nhập: sản phẩm được đánh giá dựa trên các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và hoặc quốc tế, và được sản xuất với hệ thống quản lý như HACCP, các tiêu chuẩn ISO, GLOBALG.A.P,… nhằm đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm luôn được ổn định phù hợp.
- Khuyến khích DN quan tâm hơn với việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD thông qua cam kết tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất. Xây dựng lòng tin vững chắc cho NTD khi DN áp dụng Bộ tiêu chí này.
- Khuyến khích DN thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ổn định.
- Tạo động lực thúc đẩy DN luôn tự mình đảm bảo giữ vững tin cậy của NTD, vì hệ thống tiêu chuẩn đã cam kết là nghiêm ngặt, khoa học và minh bạch để NTD có thể kiểm tra, kiểm định chất lượng bất cứ lúc nào.
- Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, loại bỏ và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến an toàn của sản phẩm, tăng cường hiệu quả kiểm soát, giảm chi phí nhờ giảm các hoạt động sửa chữa và khắc phục sự cố.
- Định hướng sản xuất lấy an toàn, chất lượng sản phẩm làm trung tâm, song song với giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và thực hành trách nhiệm xã hội, từ đó tạo nền tảng cho doanh nghiệp Việt hướng ra thị trường quốc tế.
- Nhà sản xuất và sản phẩm an toàn được thị trường nhận biết qua nhãn “Hàng Việt Nam Chất lượng cao- Chuẩn hội nhập” cùng với các chương trình, hoạt động truyền thông kết nối giữa nhà sản xuất với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng.
Đây là bảo chứng về chất lượng sản phẩm liên quan đến yếu tố kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, thể hiện tính cam kết của DN về sản phẩm với người tiêu dùng trong nước và thế giới, giúp các đối tác nước ngoài thêm tin tưởng lựa chọn các sản phẩm Việt.
Trong hoàn cảnh “an toàn thực phẩm” tại Việt Nam đang được truyền thông đẩy tới mức khủng hoảng, Bộ tiêu chí trở thành 1 chỉ dẫn và bảo chứng chất lượng cho thực phẩm Việt, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, có trách nhiệm được thị trường nhận biết và xây dựng nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội.
Với Bộ tiêu chí ngành thực phẩm, Hội đồng chuyên gia gồm:
Ông Nguyễn Quân: Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Chủ tịch Hội đồng chuyên gia
Đại diện Trung tâm 3 – Quatest 3
Đại diện Ban QLATVSTP TP.HCM
Ông Vũ Thế Thành: Chuyên gia độc lập
Bà Nguyễn Kim Thanh: Chuyên gia độc lập
Bà Trần Hoàng Yến: Tổ chức VASEP
Bà Hồ Ngọc Phương Thảo: Chuyên gia độc lập
Các yếu tố cần được đảm bảo trong Bộ tiêu chí:
Tính minh bạch: mọi giai đoạn trong quá trình sản xuất phải được công khai cho các bên liên quan.
Sự chính xác: các giới hạn kỹ thuật đề ra dựa trên căn cứ khoa học và thống kê thực tiễn.
Sự công bằng cho các bên tham gia: phản hồi từ thị trường được điều tra và xử lý thỏa đáng thông qua kênh tiếp nhận thông tin trực tuyến của Hội, làm tiền đề cho cải tiến liên tục nhằm đảm bảo sự ‘hợp thời’ của Bộ Tiêu chí.
- Trang trại nông nghiệp:
– Chăn nuôi: gia cầm, lợn
– Trồng trọt rau màu, trái cây
Nhà máy/ Cơ sở chế biến thực phẩm
Ban dự án HVNCLC- Chuẩn hội nhập nhận hồ sơ DN tham gia liên tục trong cả năm. Qúa trình xét duyệt và cấp chứng nhận sẽ diễn ra theo các sự kiện lớn của Hội để có thể kết hợp truyền thông và quảng bá cho các DN đạt Chuẩn.
Việc đánh giá sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm có chuyên môn từ các tổ chức đánh giá uy tín. Đối với từng lĩnh vực khác nhau, danh sách chuyên gia đánh giá sẽ khác nhau.
Từ năm 2018 trở đi, quá trình đánh giá được tổ chức và quản lý bởi Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, việc đánh giá được thực hiện đảm bảo tính minh bạch bởi bên thứ ba có đủ năng lực và chất lượng đánh giá luôn được giám sát, thẩm tra bởi Hội đồng Chuyên gia cao cấp của Hội.