Ngành điều cần làm gì để duy trì vị trí số 1 tại thị trường EU
Vị trí thống trị của hạt điều Việt Nam tại thị trường EU nguy cơ bị đe doạ bởi chuỗi cung ứng có điểm thay đổi với sự tham gia của một số quốc gia cạnh tranh.
Cấu trúc chuỗi cung ứng thay đổi
Thị trường EU đang đứng vị trí số 2 trong số các thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2021 sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, thuế suất đối với hạt điều nhân và sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Mức giảm này rất quan trọng, trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 – 12%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích, vị trí hạt điều của Việt Nam tại thị trường EU đang bị cạnh tranh. Cụ thể tại Pháp, năm 2019-2020 thị phần điều của Việt Nam đã giảm từ 61% xuống 46%. Tại các siêu thị, đại siêu thị hầu như không có sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Việt Nam. Đa phần doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung bán sỉ và chưa tiếp cận được phân khúc tiêu dùng cuối cùng.
Theo ông Vũ Anh Sơn – đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp, chuỗi cung ứng hạt điều tại Pháp thay đổi rõ rệt với sự suy giảm thị phần của “ông lớn” Việt Nam, Ấn Độ và sự nổi lên của một số quốc gia khác, đặc biệt là Campuchia.
“Nếu như năm 2013 gần như chưa có sự xuất hiện của gạo Campuchia tại Pháp nhưng chỉ sau 5-7 năm quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Pháp và là nhà xuất khẩu gạo rất lớn vào EU. Câu chuyện xuất khẩu gạo của Campuchia cũng có thể lặp lại với xuất khẩu điều”, ông Vũ Anh Sơn cảnh báo.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng cho biết thêm: Cú sốc trong vài năm qua đã định hướng lại chuỗi cung ứng điều vào EU, hướng đến chuỗi cung ứng ngắn và bền vững. Đây là bài toán mà rất có thể trong tương lai không xa sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường điều Việt Nam.
Mặt khác, không loại trừ khả năng doanh nghiệp EU đầu tư vào khu vực châu Phi để đa dạng nguồn cung hạt điều, tránh phụ thuộc vào Việt Nam và các nước châu Á. “EU đặc biệt là Pháp có quan hệ rất đặc biệt với châu Phi. Không những có vị trí địa lý và đường vận tải gần hơn Việt Nam mà châu Phi và Pháp có mối liên kết lịch sử. Vì vậy, cũng rất cần lưu ý tới thị trường này”, ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, marketing, nắm bắt thị hiếu khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng rang chiên và những sản phẩm bán ở các cửa hàng tiện lợi của EU đang là khâu yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Nói cách khác, doanh nghiệp ngành điều đang “đói” thông tin về thị trường, đối tác và cập nhật quy định về thay đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn với mặt hàng này tại EU.
Đầu tư vào chế biến sâu
Hạt điều Việt Nam mặc dù thống trị tại thị trường EU tuy nhiên mới chỉ ở dạng thô, rất ít sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm rang tẩm gia vị theo khẩu vị của khách hàng EU.
Trong khi đó, hạt điều, nhất là hạt điều được tẩm gia vị được người tiêu dùng EU ngày một ưa chuộng hơn bởi đây là sự thay thế lành mạnh cho các đồ ăn nhẹ mặn khác. Hiện nhiều nhà sản xuất đã tạo ra công thức mới là phủ thực phẩm khác lên hạt điều, ví dụ hạt điều phủ socola…
Hạt điều cũng là thành phần của nhiều loại thực phẩm lành mạnh và sản phẩm chức năng như sữa hạt điều, sữa chua hạt điều…. “Sự đa dạng của các sản phẩm chế biến từ hạt điều cũng làm tăng nhu cầu về sản phẩm này tại thị trường EU. Doanh nghiệp trong nước muốn giữ vững thị phần tại thị trường này cần có sự nghiên cứu, đầu tư phù hợp”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp nhận định.
Bên cạnh đó, để hạt điều Việt Nam chắc chân tại thị trường EU, các chuyên gia khuyến cáo: Quy định của EU với hàng hoá nhập khẩu, trong đó có hạt điều rất phức tạp, thường xuyên được thay đổi, cập nhật. Trước khi đưa hàng hoá vào thị trường, doanh nghiệp cần đầu tư một khoản chi phí để tìm hiểu các thông tin này thông qua các văn phòng luật sư. Đồng thời được hỗ trợ trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro.
Trong lĩnh vực thực phẩm, EU hiện có quy định riêng về độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng, chất ô nhiễm vi sinh. EU không có quy định bắt buộc nhưng những chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận trách nhiệm xã hội, yêu cầu về đóng gói bao bì nhãn mác… là điểm cộng đáng lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá vào EU.
Sản phẩm hạt điều hữu cơ đang rất thịnh hành tại EU, đây là thị trường ngách tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận.
Theo Báo Công Thương
Bình Luận