Còn nghi ngại về thực phẩm ‘da chay, hồn mặn’
TPO – Theo PGS.TS Đàm Sao Mai, phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TPHCM, người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về độ an toàn của sản phẩm “chay giả mặn”; bởi khi nguyên liệu từ thực vật thì hệ vi sinh sẽ khác với nguyên liệu từ động vật.
Ngày 1/3, tại tọa đàm “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) tổ chức, bà Mai cho rằng, xu hướng sử dụng thực phẩm thay thế thịt đang mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Thịt thay thế bằng rất nhiều thứ khác nhau từ thực vật, hệ vi sinh…
Việt Nam có nhiều lợi thế để làm các sản phẩm thay thế thịt nhưng chúng ta phải hiểu nhu cầu thị trường. Đầu tiên, tìm hiểu các xu thế đang thịnh hành trên thế giới để đáp ứng nó, sau đó tìm kiếm các sản phẩm khác để tập quen cho thị trường, người tiêu dùng.
“Nếu thực phẩm chay để nguyên tên nguyên liệu làm ra nó như sen, mít non… thì không có gì phải bàn, nhưng đã “chay” mà mang tên món mặn thì hàm lượng dinh dưỡng phải giống như “thật”, từ hương vị, thành phần dinh dưỡng…; còn nếu chỉ tương đương thì đó chỉ là giả” – bà Mai cho biết.
Cũng theo bà Mai, nghi ngại của người tiêu dùng về độ an toàn của thực phẩm chay vì tên gọi của động vật từ một sản phẩm có nguyên liệu từ thực vật. Khi nguyên liệu từ thực vật thì hệ vi sinh sẽ khác với nguyên liệu từ động vật. Do đó ta phải có cách kiểm soát khác; ngoài ra còn lại phụ thuộc vào quy trình chế biến, quy trình phân phối sản phẩm, tuân thủ các quy chuẩn.
“Hiện nay người tiêu dùng đang quan tâm hơn đến các vấn đề an toàn thực phẩm, đến tiêu chuẩn thì đây cũng là cơ hội cho thực phẩm đóng gói đạt chuẩn. Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm chay sang các nước, trước khi đi thị trường nào thì phải tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường đó. Lúc đầu có thể rất khó nhưng chúng ta đều làm được. Đây cũng là cách để phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp” – bà Mai chia sẻ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho hay, Việt Nam đã đưa nhiều sản phẩm thực phẩm ra thế giới, nhưng xuất khẩu thành một khối độc lập gọi là thực phẩm chay thì có lẽ chưa có. “Có thể trong các dòng sản phẩm xuất khẩu như mì gói, nước mắm… có đan xen các sản phẩm chay, nhưng để nói một khối sản phẩm chay độc lập, đặc sắc như kim chi thì có lẽ chưa có. Kể cả như Vinamit xuất khẩu mít non thì cũng chưa thể thành một sản phẩm đặc sắc để người ta phải đi tìm kiếm để mua.
Còn về phía nhà nước, theo tôi biết thì hiện chưa có chiến dịch nào để marketing riêng cho các sản phẩm chay của Việt Nam. Về vấn đề an toàn, không chỉ với thực phẩm chay mà thực phẩm chế biến xuất khẩu nói chung, sự tinh tế, nghiêm ngặt về kiểm nghiệm hóa chất của châu Âu và các thị trường khó tính khác đang đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất của chúng ta. Tôn trọng quy trình thật chặt chẽ chỉ mới là kỷ luật cơ bản” – bà Hạnh nhấn mạnh.
Là đơn vị sản xuất nhiều thực phẩm chay như cà pháo, dưa món, kim chi, bánh nậm, bánh lọc Huế chay… ông chủ trẻ Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) tiết lộ, sản phẩm sản xuất không đủ cung ứng. Chỉ tính riêng các sản phẩm làm từ cà pháo (cà pháo chua ngọt, cà pháo mắm nêm, mắm cà pháo, mắm tôm chua trộn cà pháo…) đã đạt doanh thu 30 tỷ đồng trong năm 2021.
Bình Luận