Xu hướng thời trang xanh, bền vững lên ngôi
Thời trang xanh nói đến những trang phục thân thiện với môi trường và hiện đang là xu thế trong thời đại mới. Hàng loạt những hãng thời trang và cả người tiêu dùng đều đang theo đuổi xu hướng thời trang bền vững.
Để bảo vệ môi trường sống, thời gian qua ngành may thời trang Việt Nam đã và đang nghiên cứu, phát triển những sản phẩm thời trang xanh với nguồn gốc nguyên liệu từ tự nhiên như tre, sen, cà phê… và thậm chí cả rác thải như chai nhựa, quần áo cũ.
Có thể nói, người dùng hiện nay có nhận thức cao về môi trường. Cụ thể, trong mảng thời trang, “bền vững” là một đặc tính nhận được nhiều sự hưởng ứng. Nếu như Fast Fashion (thời trang nhanh) được xem là ông vua trong việc “gây nghiện” với các sản phẩm vừa đẹp vừa rẻ, thì Sustainable fashion (thời trang bền vững) đang ngày một khẳng định vị trí của mình, đặc biệt là những tín đồ yêu thích thời trang.
Một loạt những nhãn hàng thời trang hiện nay đã có động thái bắt tay vào việc chụp ảnh sản phẩm thời trang “xanh” mang tính “bền vững”, xây dựng một chiến lược marketing bài bản cho bộ sưu tập của mình.
Chia sẻ tại sự kiện Gala Dinner “Green Path – Con đường xanh” tổ chức ngày 15/1, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – cho biết: Xu thế hiện nay của ngành thời trang thế giới là phải bảo vệ môi trường bằng cách cho ra đời những sản phẩm xanh. Theo đó, từ nguyên liệu trở đi phải “sạch” và ngay cả người lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng phải được thực hiện quyền của họ. Theo trào lưu này doanh nghiệp Việt không có lựa chọn nào khác và phải phát triển bền vững.
“Bắt kịp xu thế của thế giới, chúng tôi đã có dự án “Xanh hóa ngành dệt may”, hướng tới mục đích cải cách ngành dệt may Việt Nam và tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường. Dự án tập trung vào cải thiện quản lý nước và năng lượng với mục tiêu dài hạn là tăng cường quản trị khu vực Mekong, nâng cao tính bền vững của hệ sinh thái và môi trường sống khu vực này. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI ngành dệt may đã nghiên cứu, cho ra đời nguyên liệu tái chế để sản xuất thời trang. Ví dụ dùng bã của 3 cốc cà phê và 5 chai pet để chế ra sợi và làm áo polo”- bà Mai cho biết thêm.
Là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và đầu tư nhiều cho nghiên cứu phát triển (R&D) để có những sản phẩm thời trang thân thiện môi trường, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM) cho biết: Chúng tôi xác định sản xuất thời trang xanh là xu hướng và từ năm 2015 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD), đồng thời đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực, tuyển dụng các sinh viên học ngành thời trang xuất sắc của trường đại học Bách Khoa.
Việc thành lập trung tâm này giúp TCM có 3 dòng sản phẩm chính là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.
“Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát nặng nề, nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng lại đặt các đơn về khẩu trang kháng khuẩn. Nhờ đã đầu tư R&D nên TCM kịp thời chuyển hướng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn xuất khẩu, góp phần quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của công ty”- ông Tùng chia sẻ.
Cùng với TCM, Faslink là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng từ năm 2008 đến nay. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư nhiều xưởng sản xuất với tổng diện tích 10.000 m2, trang bị hơn 300 thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới. Theo đuổi định hướng “mặc khỏe để sống xanh”, các nguyên liệu xanh của Faslink hướng đến yếu tố nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian.
Tổng giám đốc Faslink, bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ: Tại Faslink chúng tôi khơi dậy và thúc đẩy tinh thần tự học hỏi, tự tìm kiếm những nguồn lực, sáng tạo và nỗ lực không ngừng để tìm ra những giải pháp mới, hướng tới ngành thời trang bền vững, thân thiện với môi trường. Từ những sợi vải xanh, chúng tôi kỳ vọng lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng và đồng hành, để người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng những sản phẩm tốt nhất, an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường.
“Cam kết chuyển đổi xanh của chúng tôi không chỉ tập trung vào nguyên liệu xanh, mà còn hướng tới ‘xanh hoá’ các hoạt động sản xuất, vận hành và chiến lược kinh doanh. Đã đến lúc phải suy nghĩ lại về lĩnh vực may mặc và hướng tới một loại hình công nghiệp mới, khởi nguồn từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu công nghệ. Là mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng, Faslink cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh trong ngành dệt may”, bà Trần Hoàng Phú Xuân nhấn mạnh.
Bền vững – xu hướng phát triển được xem là tất yếu, không những trong thời điểm hiện tại mà còn là bước ngoặt cho sự sống còn của một thương hiệu. Xu hướng “xanh” sẽ là chìa khóa để giúp cho một doanh nghiệp tăng trưởng theo hướng lâu dài. Thời trang là một ngành “mũi nhọn”, việc đảm bảo cho sự cân bằng của hệ sinh thái sẽ là một chiến lược cấp thiết với nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Nguyễn Linh (T/h)
Bình Luận