Lý do tôm đất ở Cà Mau trở thành đặc sản tôm khô
Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã công nhận tôm khô Cà Mau lọt tốp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Vừa qua, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã công nhận tôm khô Cà Mau và mật ong rừng U Minh lọt tốp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Đây là tín hiệu vui cho các cơ sở kinh doanh mặt hàng trên, đồng thời đây cũng là cơ hội để Cà Mau quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Tôm khô Đất Mũi là tôm khô làm từ 100% tôm đất sống Cà Mau, làm bằng phương pháp truyền thống: tôm đất sống mới bắt lên mang luộc, phơi nắng tự nhiên, hoàn toàn không có phẩm màu hay tẩm ướp bất kỳ hóa chất bảo quản nào. Thịt tôm khô ngọt, dai, thơm đặc trưng. Đặc biệt mỗi dịp xuân về, sử dụng tôm khô Cà Mau làm quà tặng cho người thân hoặc dùng để chế biến các món ăn truyền thống thì không còn gì bằng.
Để tạo nên con tôm khô thường phải trải qua 4 giai đoạn chính là luộc, phơi (sấy), đập và tách vỏ. Khâu luộc là quan trọng nhất, quyết định chất lượng con tôm, nếu lạt, khó bảo quản lâu, còn mặn quá sẽ làm mất hương vị đặc trưng của tôm.
Thường người ta luộc tôm vào buổi hừng sáng để con tôm có rộng thời gian phơi cho được nắng. Phương pháp làm khô truyền thống là dùng nắng trời để phơi chứ không dùng lò sấy. Nếu là dân Cà Mau sành ăn, khi gặp phải con tôm sấy là biết ngay vì nó bị khô hóc, thịt mất độ dai và nhạt, mặc dù trông bề ngoài chúng chẳng khác gì nhau.
Ngoài ra, tôm khô phơi nắng tự nhiên sẽ có giá đắt hơn so với tôm sấy do khi phơi nắng, con tôm được khô cứng tận bên trong (nhưng khi cho vào miệng thì tự mềm ra) nên mất trọng lượng nhiều hơn, trong khi đó tôm sấy chỉ khô được lớp bên ngoài, khi cầm 2 ngón tay bóp vào con tôm thấy có độ đàn hồi (như cao su). Tôm phơi khô bảo quản dễ hơn, không bị lên mốc như tôm sấy do tôm sấy còn độ ẩm cao.
Trung bình 10 đến 12 ký tôm tươi mới làm ra được một ký tôm khô, nên giá loại thượng hạng luôn trên một triệu/kg. Nhưng bù lại, con tôm cho vào nồi canh sẽ hút nước nở ra gấp đôi, nên không ít người mới dùng lần đầu bất ngờ.
Tôm khô Cà Mau được ưa chuộng bởi nó sinh sống tại vùng nước lợ, đầy ắp phù sa nên thịt rất ngọt và chắc. Đồng thời quy trình làm nên một con tôm khô cũng vô cùng kỹ lưỡng: chọn con tôm tươi, kích cỡ phù hợp, sau đó rửa sạch rồi luộc và phơi khô, sấy, tách vỏ rồi sàng lọc, đóng gói.
Theo người dân huyện Ngọc Hiển, để có món tôm khô thơm ngon, người luộc phải canh lửa đều, nêm muối vừa đủ và vớt tôm đúng thời điểm. Từ năm 2011, tôm khô Rạch Gốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Hiện tôm khô loại 1 dao động mức 1,4 triệu đồng/kg, loại 2 là 1,3 triệu đồng/kg… Theo nhận định của nhiều cơ sở kinh doanh, vào thời điểm cuối năm, giá tôm khô có thể tăng thêm trên dưới 100.000 đồng/kg (tùy loại). Theo các chủ cơ sở chuyên kinh doanh các loại mặt hàng khô tại chợ phường 7, thành phố Cà Mau nhận định, vào những ngày cận Tết, trước sức mua tăng cao đã khiến cho mặt hàng đặc sản tôm khô càng trở nên hút hàng, đẩy giá bán tăng vọt. Không chỉ có mặt hàng tôm khô mà hầu hết các loại khô đồng, khô biển như khô mực, cá bổi, khô khoai… đều “rục rịch” tăng giá.
Dịp Tết năm nay, hầu hết, các chủ cơ sở mua bán các mặt hàng khô đồng, khô biển trên địa bàn đều thực hiện niêm yết giá bán cho từng loại khô, giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn mua sản phẩm hợp với khả năng tài chính của gia đình.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp chủ cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về gian lận thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đối với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Khải Ân
Bình Luận