Giải pháp nào để gỡ tắc nông sản tại cửa khẩu?
Tình trạng container ùn ứ tại các cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc diễn ra thường xuyên, buộc chúng ta phải chủ động hơn để tìm đường ra cho nông sản.
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Hàng nghìn container nông sản đang ùn ứ tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn chờ xuất sang Trung Quốc là hình ảnh không còn xa lạ trong những năm trở lại đây, nhất là vào dịp cuối năm khi nguồn cung của thị trường Việt Nam dồi dào.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thừa nhận, thị trường Trung Quốc chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu của công ty. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ tại Trung Quốc giảm, cộng với việc thông quan bị siết chặt khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hồi năm ngoái, khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì công ty cũng bị ảnh hưởng.
“Thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn, khoảng cách vị trí địa lý ngay cạnh Việt Nam nên vận chuyển dễ dàng. Tập quán và thói quen tiêu dùng nông sản cũng gần như tương đồng với nước ta nhưng việc quá tập trung vào một thị trường khiến chúng tôi phải nhìn lại và chuyển đổi thêm một số thị trường khác”, bà Vy nói.
Tượng tự như Công ty Chánh Thu, đại diện Công ty TNHH MTP Safari cho hay: Trung Quốc là thị trường chính và gần như duy nhất của đơn vị. Do đó, khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó thì doanh thu của Safari cũng giảm theo.
“Có thời điểm tất cả kho lạnh của công ty đầy ứ thanh long vì tắc đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Qua nhiều ngày, chất lượng thanh long giảm dần, đến khi bán được thì không có lãi vì bị ép giá”, ông Nguyễn Minh Phương – Giám đốc Công ty Safari, Hội trưởng Hội Doanh nghiệp và phát triển thanh long miền Tây nêu thực tế.
Trong buổi tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc do Bộ NN&PTNT tổ chức hồi giữa tháng 11/2021, ông Phạm Sao Mai – Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cũng thẳng thắn chỉ ra, mặc dù trong 30 năm nay chúng ta đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhưng cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này, khiến hàng hóa Việt Nam bị động và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối ở Trung Quốc.
Ông Mai cho biết, để có thể kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần nắm được hệ thống phân phối nông sản tại đây.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lâu nay vẫn có tình trạng xe hàng bị tồn, tuy nhiên số lượng tồn ở tất cả các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn không nhiều như lần này.
Theo thống kê của địa phương, xe hàng chủ yếu chở hoa quả từ miền Trung và miền Nam. Mỗi xe khi lên đến cửa khẩu, nhanh nhất cũng phải 10 ngày mới thông quan được.
“Tỉnh Lạng Sơn đã khuyến cáo các doanh nghiệp, tài xế về tình trạng xe hàng ùn ứ, song hàng ngày các xe hàng vẫn lên biên giới. Đây là bài toán cực khó, đến nay tỉnh chưa thể giải quyết được. Năng lực thông quan có hạn nhưng khối lượng hàng hóa lại quá lớn”, ông Đại nói.
Chủ động tìm ra đầu ra trong nước
Ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho hay: “Hiện nay xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có hai dạng, tươi và chế biến. Đối với xuất khẩu rau quả chế biến có thuận lợi nhờ giá bán hợp lý, các đối tác ở Trung Quốc thanh toán rất tốt mà chi phí vận chuyển lại không cao, một thuận lợi nữa là bạn hàng ở đây đã quen với sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Tuy nhiên, muốn xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc với khối lượng lớn kể cả quả tươi thì doanh nghiệp phải chú trọng ngay từ khâu trồng trọt và quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đóng gói… Nếu làm được, tôi nghĩ kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng và dù muốn hay không muốn”.
Theo Phó Chủ tịch Vinafruit, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm vị trí số 1 đối với ngành rau quả và đang chiếm gần 55% thị phần, các doanh nghiệp cần phải đặt mục tiêu nâng lên 70 đến 80% thị phần.
Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu rau quả, Vinafruit kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc về Nghị định thư cho các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vì hiện nay chỉ có một loại được xuất chính ngạch còn lại 9 loại khác vẫn phải chịu hậu kiểm.
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Giao dịch Nhà cung cấp của Saigon Co.op cho rằng, để tìm đầu ra cho nông sản, các địa phương nên tham dự các hội nghị xúc tiến, tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm để nhận những phản hồi từ các địa phương khác.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T Group đưa ra ý kiến: “Chúng ta cần hình thành thêm nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để có thể làm được điều này… Các địa phương xây dựng chương trình, vùng trồng đạt chuẩn để đa dạng thị trường xuất khẩu, thay thế thị trường Trung Quốc khi gặp khó khăn”.
Đáng chú ý, bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, Chủ tịch Vina T&T Group cho rằng, cần phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Ông cho biết nhiều năm nay, doanh nghiệp theo đuổi du lịch sinh thái vùng trồng, đó là khi xuất khẩu sản phẩm qua các thị trường, khách hàng trên thế giới có thể biết được sản phẩm trái cây đó được canh tác, sơ chế, sản xuất ra sao.
Trong tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp là “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền địa phương thì tư duy nhiệm kỳ”.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà chưa chuẩn bị tâm thế để tìm hiểu thị trường này cũng như về nhu cầu, xu hướng và đặc tính tiêu dùng của thị trường thì rất khó thành công.
Để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc thành công ngoài tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp còn phải tìm hiểu đối thủ Thái Lan, Campuchia xuất khẩu vào thị trường đó như thế nào, chiến lược ra sao, nhưng hiện nay doanh nghiệp Việt vẫn còn mù mờ về thị trường Trung Quốc lẫn đối thủ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị doanh nghiệp hãy bán giá trị chứ đừng bán giá cả, bán giá trị giá mới cao vì giá trị thặng dư nằm ở giá trị.
Hiện nay nông sản Việt Nam chỉ mới bán qua cửa khẩu biên giới Trung Quốc, trong khi nông sản Thái Lan đã thâm nhập sâu vào nội địa. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề này.
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết hiện trung bình lượng phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày, trong đó cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày xuất khẩu được khoảng 120 xe, cửa khẩu Tân Thanh khoảng 200 xe.
Theo cơ quan này, lượng phương tiện đưa lên cửa khẩu ngày càng nhiều so với năng lực thông quan nên lượng xe còn tồn ở khu vực bến bãi, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tăng cao. Tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến nay khoảng hơn 4.300, trong đó tồn lớn nhất là tại cửa khẩu Tân Thanh với 2.474 xe, cửa khẩu Hữu Nghị 1.083 xe.
Không riêng tại Lạng Sơn, hiện lượng xe container hàng đông lạnh và hoa quả xuất sang Trung Quốc qua Móng Cái, Quảng Ninh đến ngày 17/12 vẫn còn kẹt lại khoảng trên 1.000 xe container, trong khi đó, số xe container được thông quan hàng ngày chỉ từ 40-50 xe/ngày, khiến lượng xe ùn ứ ở Móng Cái đang rất lớn.
Phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa, không thông quan tại một số cửa khẩu phụ như: Cốc Nam, Na Hình (huyện Văn Lãng), Nà Nưa, Bình Nghi (huyện Tràng Định), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) dẫn tới lượng hàng dồn về các cửa khẩu hoạt động tăng cao.
Ở Lào Cai, phía Trung Quốc cũng không thông tin chính thức về việc dừng hoạt động ở cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành – Hà Khẩu. Bởi vậy, khoảng thời gian này hầu như không có hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu qua cửa khẩu này.
Tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), lượng xe hàng xuất khẩu cũng liên tục biến động. Bình quân trước đây mỗi lô hàng nông sản xuất khẩu, chỉ mất vài phút là được phía Trung Quốc thông quan, nhưng hiện nay phải mất khoảng 1 ngày.
Quốc Nam
Bình Luận