22-11-2121 . bởi Phạm Tâm

Bước đệm vươn tới GlobalGAP

Dù năm 2021, đại dịch Covid 19 diễn ra khốc liệt tại khu vực phía Nam, nhưng ngành nông nghiệp không ngừng cố gắng vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

 

Chỉ còn 40 ngày nữa là kết thúc năm 2021 và 90 ngày nữa là Tết nguyên đán. Dù năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt tại khu vực phía Nam, nhưng ngành nông nghiệp không ngừng cố gắng vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, chúng ta thấy sự thay đổi vị trí của của những mặt hàng chủ lực. Tại ĐBSCL, thủy sản vẫn giữ vững vị trí vượt trội, nhìn chung do áp dụng sớm tiêu chuẩn vào chuỗi sản xuất. Và trong 5 tháng đầu năm 2021, cơ cấu các mặt hàng nông sản xuất khẩu có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng, trong đó rau quả 2,971 tỷ USD (năm 2020 là 3,269 tỷ USD), hạt điều 2,987 tỷ USD (năm 2020 là 3,211 tỷ USD)…

Tín hiệu đáng mừng cho ngành rau và trái cây năm nay là các dự án hỗ trợ quốc tế dành ưu tiên cho ngành này.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khởi động Năm Quốc tế về rau và trái cây 2021 (IYFV). JICA (Nhật Bản) hỗ trợ các dự án trồng tỏi ở Nghệ An, dưa hấu ở Quảng Trị và bảo quản rau quả tươi ở Lâm Đồng hay UNIDO với hỗ trợ viếc áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn qua Hệ thống Hạ tầng Chất lượng cho chuỗi giá trị xoài ở Đồng Tháp; dự án CoopEnable do Ngân hàng Phát triển Đức và tổ chức SGS Việt Nam tài trợ, đã hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và LocalGAP cho các hợp tác xã trái cây và lúa ở Đồng Tháp và Cần Thơ.

Hệ thống bán lẻ khắp các thị trường nhập khẩu lớn thế giới đã và đang xem GlobalGAP là lựa chọn duy nhất để mua hàng trong khi các tổ chức hỗ trợ quốc tế cũng áp dụng GlobalGAP nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh cho các HTX cây ăn trái tại Việt Nam.

Nguyên nhân vì đây là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt thuộc khối tư nhân có tuổi đời “già nhất” (khai sinh vào năm 1997) và lại được phát triển và tham vấn bởi các nhà khoa học uy tín, đại diện nhà sản xuất (nông dân), nhà bán lẻ, nhà sản xuất vật tư nông nghiệp, các tổ chức chứng nhận, tổ chức tư vấn, thử nghiệm & giám định. Điều này giải thích vì sao GlobalGAP được chấp nhận rộng rãi và bền vững bởi các nhà bán lẻ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế là nông dân các nước đang phát triển như Việt Nam thường khó đạt được chứng nhận GlobalGAP do hạn chế về năng lực tổ chức và chưa có “thói quen” làm theo tiêu chuẩn. Hệ quả của việc này là nông dân không thể nào đưa được sản phẩm của họ đi xa khỏi Việt Nam và chúng thường xuyên kết thúc tại các phiên “giải cứu”.

Về phía nhà nhập khẩu và các siêu thị nước ngoài, họ cũng gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng món ngon vật lạ khắp nơi của người tiêu dùng xứ họ. LocalGAP ra đời từ đó, như một giải pháp thiết thực cho lợi ích của cả siêu thị lẫn nông dân.

Từ cuối 2017, Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã bắt đầu đàm phán với GlobalGAP cho tư cách chủ sở hữu chương trình này tại Việt Nam, và vào tháng 1/2018, GlobalGAP và Hội chính thức ký kết Thỏa thuận Chủ sở hữu chương trình LocalGAP tại Việt Nam và đồng hành cùng Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho đến nay.

Gia đình tiêu chuẩn GlobalGAP.
Gia đình tiêu chuẩn GlobalGAP.

Chương trình LocalGAP (3 khối màu cam) được phân chia thành 3 cấp độ khởi đầu, cơ bản và bước trung gian, các nhà vườn có thể lựa chọn cấp độ vừa với thực tế của họ và nâng cấp dần. Điều này giúp đảm bảo rằng một khi nhà vườn cương quyết làm tiêu chuẩn, sẽ không có ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.

Đây là sáng kiến giúp họ từng bước tự tin bước vào thị trường toàn cầu, và tất cả cố gắng của họ, cho dù ở mức bắt đầu, cũng sẽ được nhận biết.

Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (Đồng Tháp) với chương trình LocalGAP được hiển thị trên cơ sở dữ liệu của GlobalGAP.
Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (Đồng Tháp) với chương trình LocalGAP được hiển thị trên cơ sở dữ liệu của GlobalGAP.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết: Tiêu chuẩn GlobalGAP hiện nay được phổ biến nhiều nhất trên thị trường quốc tế, sau một thời gian hợp tác thì Tổ chức GlobalGAP và Hội đã đồng ý phối hợp và thừa nhận tiêu chuẩn LocalGAP. Đây là tiêu chuẩn bước đệm, khi đạt được chứng nhận thì được cấp mã số LGN (LocalGAP number). Số này công bố trên website chính thức của GlobalGAP, các nhà bán lẻ có thể tiếp cận dễ dàng. Nhiều nước không triển khai được chương trình này do GlobalGAP không tìm được đối tác tương xứng.

Năm 2017, GlobalGAP đã cử chuyên gia qua Việt Nam để đào tạo tư vấn viên trong ngành chăn nuôi. Đến tháng 9, Việt Nam đã có tư vấn viên đầu tiên được cấp chứng chỉ hoạt động là chị Nguyễn Kim Thanh và là chuyên gia chính của chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập.

Hội sẽ đồng hành và dành chi phí hỗ trợ cùng doanh nghiệp và cùng Bộ NN-PTNT trao chìa khóa vàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quyết tâm thực hiện việc tiêu chuẩn hóa khi tham gia thị trường trong nước và thế giới.

Hai chương trình hấp dẫn

Cuối tuần này, mời bạn đọc tham gia “Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản” – một sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ diễn ra qua nền tảng Zoom trong hai ngày 20 – 21/11/2021.

Một Phiên chợ xanh tử tế - Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập. Ảnh: BSA.
Một Phiên chợ xanh tử tế – Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Ảnh: BSA.

Với hơn 30 diễn giả uy tín, gần 50 khách mời là các nhân sĩ trí thức, doanh nhân Việt Nam khắp thế giới như giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư Hồ Tú Bảo, bà Phạm Chi Lan, bác sĩ – đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu…

Phiên thảo luận đặc biệt về “Phát triển kinh tế Nông nghiệp ĐBSCL” sẽ diễn ra chiều 21/11/2021 từ 15h30 đến 17h30. Dự kiến Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ tham gia phát biểu khai mạc.

Mời bạn đăng ký tham dự ở đây: https://docs.google.com/…/1FAIpQLSenWqLbAHWKBP…/viewform

Phiên chợ xanh tử tế UNIQLO - Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập. Ảnh: BSA.
Phiên chợ xanh tử tế UNIQLO – Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Ảnh: BSA.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, vào đầu tháng 12/2021, trong chương trình “Tri ân khách hàng Việt Nam đã ủng hộ”, thương hiệu thời trang Nhật Bản nổi tiếng thế giới UNIQLO hợp tác với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Phiên Chợ Xanh tử tế tổ chức triển lãm và bán các nông sản chế biến Việt Nam đặc sắc trong không gian các cửa hàng lớn của UNIQLO tại các Trung tâm thương mại như Parkson mall (quận 1, TP.HCM), Vivo City (quận 7, TP.HCM) và Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP.HCM). Nhiều phần quà giá trị được gửi tặng khách tham quan để tri ân khách hàng Việt.

THANH NGUYỄN

Bình Luận